Dân sự - HNGĐ - TM

HÌNH ẢNH NGƯỜI KIỂM SÁT VIÊN TẠI PHIÊN TÒA

1/17/2017 2:33:25 PM

Việc chấp hành pháp luật của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tại phiên tòa thực hiện đúng quy định của pháp luật về tố tụng. Thông qua đó, góp phần tuyên truyền, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước vào cuộc sống, xây dựng “văn hóa pháp đình”.

    Thực tiễn thực thi các quy định của pháp luật tố tụng Việt Nam, trong đó có Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, góp một phần thiết thực vào việc giải quyết các vụ án hình sự, vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính đảm bảo đúng quy định của pháp luật về nội dung, cũng như việc chấp hành pháp luật của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tại phiên tòa thực hiện đúng quy định của pháp luật về tố tụng. Thông qua đó, góp phần tuyên truyền, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước vào cuộc sống, xây dựng “văn hóa pháp đình”.

Hình ảnh người Kiểm sát viên tại phiên tòa

Ảnh minh họa

      Tại phiên tòa, từ ngoại hình, trang phục đến tác phong, giao tiếp với Hội đồng xét xử, những người tham gia tố tụng, nội dung các câu hỏi, trình bày bản luận tội, bài phát biểu của Kiểm sát viên đều được những người tham dự phiên tòa (có thể là người dân và có thể có các cơ quan thông tin, báo chí) theo dõi, giám sát. Việc rèn luyện cả về chuyên môn nghiệp vụ, lẫn tác phong, lề lối làm việc để hình thành và thể hiện đúng mực hình ảnh của người Kiểm sát viên tại phiên tòa luôn là một vấn đề quan trọng, cấp thiết được ngành Kiểm sát nhân dân quan tâm. Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 về chức năng của Viện kiểm sát nhân dân, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên và xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn nêu trên, ngành Kiểm sát nhân dân đã tiến hành xây dựng Dự thảo Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại các phiên tòa, phiên họp của Tòa án nhân dân. Trong Dự thảo Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên đã ghi nhận một số nội dung mang tính chất nguyên tắc, cụ thể như sau:

      Thứ nhất, Kiểm sát viên phải có mặt tại địa điểm xét xử trước giờ khai mạc phiên tòa ít nhất 15 phút.

      Thứ hai, Khi tham gia phiên  tòa, Kiểm sát viên phải đầu tóc gọn gàng, đi giầy hoặc dép quai hậu, mặc trang phục Ngành đúng quy định.

      Thứ ba, Khi Hội đồng xét xử bước vào phòng xét xử thì đồng thời Kiểm sát viên cũng phải cùng vào và đứng trong tư thế nghiêm trang tại vị trí giành cho đại diện Viện kiểm sát. Kiểm sát viên chỉ ngồi xuống và để mũ Kêpi ra bàn làm việc góc bên tay trái của mình, sao vàng hướng về phía trước sau khi Chủ tọa phiên tòa mời các thành viên Hội đồng xét xử ngồi xuống. Kiểm sát viên ngồi tại phiên tòa phải giữ thái độ nghiêm túc, tư thế ngồi ngay ngắn, không ngủ gật hoặc ngáp tại phiên tòa, cử chỉ lời nói đảm bảo sự chuẩn mực, tránh cợt nhả, khôi hài, diễu cợt.

      Thứ tư, Kiểm sát viên không sử dụng điện thoại trong quá trình tham gia phiên tòa, điện thoại luôn để ở chế độ im lặng.

      Thứ năm, Trong suốt phiên tòa Kiểm sát viên phải luôn chú ý lắng nghe, ghi chép đầy đủ diễn biến và nội dung phiên tòa theo đúng quy định

      Thứ sáu, Khi tham gia xét hỏi, tranh luận Kiểm sát viên phải tôn trọng quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng; phải sử dụng ngôn ngữ xưng hô, tranh luận có văn hóa; không sử dụng ngôn ngữ mạt sát, miệt thị đay nghiến hoặc biểu hiện thái độ bực tức, khó chịu; Khi tranh tụng tại phiên tòa Kiểm sát viên tham gia đối đáp rõ ràng, giõng dạc, phát âm ngôn ngữ chuẩn xác và thống nhất đảm bảo việc đối đáp đầy đủ với từng luận điểm. Khi tranh tụng phải kịp thời phát hiện những luận điểm, quan điểm không đúng của những người tranh tụng với mình để bác bỏ và đề nghị Hội đồng xét xử ra phán quyết đầy đủ, đúng pháp luật.

      Thứ bảy, Kiểm sát viên đặt câu hỏi, diễn đạt quan điểm có căn cứ pháp luật, trình bày phải ngắn gọn, rõ ràng, thứ tự, logic, dễ hiểu; câu hỏi đưa ra phải phù hợp với đối tượng được hỏi đúng trọng tậm, trọng điểm tránh trùng lắp.

      Thứ tám, Kiểm sát viên khi tham gia tại phiên tòa phải luôn lắng nghe ý kiến của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng. Ngôn ngữ đối đáp phải mạch lạc, rõ ràng, lịch sự, không dùng lời lẽ ngoài xã hội, đối đáp phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng. Nếu có phát sinh tình tiết mới tại phiên tòa Kiểm sát viên phải bình tĩnh, lắng nghe, thực hiện quyền hỏi, xét hỏi, tranh luận được đảm bảo để chứng minh, phản biện, làm sáng tỏ vấn đề và có thái độ ứng xử theo quy định. Trong những tình huống trên Kiểm sát viên phải thu thập các tình tiết mới phát sinh và có quan điểm, thái độ đối với tình tiết mới phát sinh đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tính hợp pháp của tình tiết mới và yêu cầu Tòa án cung cấp theo quy định.

      Thứ chín, Kiểm sát viên không được định kiến với người tham gia tố tụng mà phải làm hết trách nhiệm của mình, thu thập và đánh giá chứng cứ khách quan, toàn diện.

      Thứ mười, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa khi trả lời các câu hỏi hay lời đề nghị của người tham gia tố tụng với thái độ nghiêm túc, có căn cứ và cơ sở pháp lý.

      Thứ mười một, Khi tham gia phiên tòa Kiểm sát viên cần thực hiện đúng nội quy phiên tòa theo quy định.

      Những quy định nêu trên mang tính nguyên tắc xuyên suốt toàn bộ dự thảo quy tắc được thể hiện trong từng quan hệ ứng xử của Kiểm sát viên ở từng trường hợp cụ thể quy định trong chương 2. Theo quan điểm cá nhân tác giả, các nguyên tắc trên là đầy đủ, thực hiện tốt các nguyên tắc này sẽ đảm bảo xây dựng được hình ảnh người Kiểm sát viên mẫu mực, đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp.

      Tuy nhiên, trong nghiên cứu cũng có quan điểm trái chiều, không đồng tình với những nguyên tắc nêu trên cho rằng: Kiểm sát viên phải vào trước Hội đồng xét xử, ngồi vào vị trí và đứng lên chào khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án, vị trí chỗ ngồi của Kiểm sát viên phải ngồi dưới Hội đồng xét xử và ngang hàng với người bào chữa để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Tác giả bài viết cho rằng quan điểm này là chưa phù hợp, thiếu cơ sở chấp nhận bởi những lý do sau đây:

      Thứ nhất, xuất phát từ chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát quy định tại Điều 107 Hiến pháp năm 2013, Điều 1 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Viện kiểm sát là một cơ quan độc lập với Tòa án, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của Hội đồng xét xử, việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng. Điều 34 Bộ luật TTHS, Điều 46 Bộ luật TTDS, Điều 36 Luật TTHC năm 2015 quy định Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên là những người tiến hành tố tụng. Quan điểm đã nêu ở trên là sự đi ngược lại các quy định của Hiến pháp, pháp luật tố tụng, tạo ra sự bất bình đẳng về địa vị pháp lý giữa Kiểm sát viên và Hội đồng xét xử. Việc quy định như trong dự thảo quy tắc là phù hợp đảm bảo Kiểm sát viên có những điều kiện tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại phiên tòa.

      Thứ hai, xuất phát từ truyền thống văn hóa pháp đình của Việt Nam, từ khi thành lập Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 đến nay, vị trí chỗ ngồi của Kiểm sát viên tại phiên tòa được đặt ngang hàng với Hội đồng xét xử là một thông lệ đã được thừa nhận rộng rãi, thực tế cho thấy các hoạt động của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác không hề bị ảnh hưởng, Kiểm sát viên luôn thể hiện tốt vai trò là người thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa. Dưới góc độ nguồn của pháp luật thì đây chính là loại nguồn bổ trợ “tập quán pháp” quy định về vị trí chỗ ngồi của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Tại thời điểm hiện nay, chưa có văn bản chính thức quy định thì việc thực hiện trên thực tế vẫn nên dựa trên thông lệ, không cần thiết phải thay đổi.

      Thứ ba, xuất phát từ mô hình tố tụng hình sự của Việt Nam là mô hình tố tụng thẩm vấn kết hợp với tranh tụng, chức năng buộc tội, gỡ tội của từng cơ quan tiến hành tố tụng cũng không phân biệt rạch ròi như các quốc gia theo mô hình tranh tụng, cụ thể Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”. Việc tranh tụng giữa Kiểm sát viên và người bào chữa tại phiên tòa theo pháp luật tố tụng hình sự  nước ta cũng sẽ có điểm khác biệt so với những nước theo mô hình tranh tụng thuần túy có sự phân biệt rạch ròi giữa chức năng buộc tội, chức năng gỡ tội. Chính vì vậy, quan điểm cho rằng để Kiểm sát viên ngồi phía dưới Hội đồng xét xử và ngang hàng với người bào chữa nhằm đảm bảo nguyên tắc tranh tụng là không có cơ sở về mặt lý luận.

      Nghiên cứu các quy định của Dự thảo quy chế, tác giả bài viết cũng xin nêu một số ý kiến hoàn thiện như sau:

      Một là, khoản 7 Điều 3 chưa sử dụng đúng thuật ngữ tranh tụng và tranh luận, theo các văn bản pháp luật về tố tụng năm 2015 thì tranh tụng bao gồm xét hỏi (đối với tố tụng hình sự), hỏi (đối với tố tụng dân sự, tố tụng hành chính) và tranh luận. Việc đối đáp và bác bỏ những quan điểm không đúng là thuộc về nội dung tranh luận tại phiên tòa, trường hợp này dự thảo quy tắc sử dụng thuật ngữ tranh tụng là chưa chuẩn xác. Hai là, theo quy định tại Điều 296, Điều 317 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Kiểm sát viên đã tham gia giải quyết vụ án hình sự ở giai đoạn trước khi xét xử cũng có thể được triệu tập đến phiên tòa, được trình bày ý kiến thì trong trường hợp này cũng cần quy định cụ thể ứng xử của Kiểm sát viên.

      Trên đây là một số quan điểm cá nhân của tác giả về vấn đề xây dựng hình ảnh người Kiểm sát viên tại phiên tòa, xin đưa ra trao đổi cùng đồng nghiệp và bạn đọc./.

                            Nguyễn Đình Vinh

Chuyên viên Viện kiểm sát nhân dân quận Lê Chân


Đóng góp ý kiến Bản in
Họ và tên
Nội dung hỏi
  Mã xác nhận: 2004

video

Lượt truy cập: 1388460 lần

Đang online: 2 người