Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình kiến tạo môi trường pháp lý, góp phần xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm vị thế và quyền hành nghề của luật sư tham gia trong các vụ án hình sự.
Dự thảo Chương VII đã thể hiện nâng cao một bước vị thế, vai trò, quyền và nghĩa vụ của người bào chữa với tư cách là chủ thể bình đẳng thực hiện chức năng bào chữa trong tố tụng hình sự (TTHS), với những nội dung sửa đổi, bổ sung như: Mở rộng diện người bào chữa đối với trợ giúp viên pháp lý; mở rộng trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa; quy định cụ thể các thủ tục mời, cử, chỉ định người bào chữa, trình tự, thủ tục tham gia tố tụng của người bào chữa, chuyển từ thủ tục cấp giấy chứng nhận sang giấy đăng ký và rút ngắn thời hạn cấp thủ tục đăng ký đối với người bào chữa, cũng như trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc bảo đảm quyền của người bào chữa...
Chúng tôi mạnh dạn đóng góp quan điểm và một số ý kiến cụ thể để Ban soạn thảo và các cơ quan có thẩm quyền xem xét trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật này.
Quyền bào chữa là quyền hiến định, là một trong quyền tự do dân chủ trọng yếu trong các quyền tự do dân chủ của công dân, trở thành một nguyên tắc tố tụng căn bản được tôn trọng và triệt để thực hiện. Hơn nữa, bào chữa là một chế định trọng yếu trong tố tụng, giúp công tác xét xử tiến hành toàn diện và khách quan, chính xác, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo và bảo vệ pháp luật.
Đòi hỏi của công dân và xã hội đối với các cơ quan tư pháp ngày càng cao, thông qua việc thực hiện chức năng xã hội của mình, đội ngũ luật sư phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật...
Góp ý kiến chi tiết vào Dự thảo Chương VII về bào chữa (mới), chúng tôi cho rằng cần xác định địa vị pháp lý của luật sư là chủ thể tư pháp độc lập, nhằm thực hiện chức năng cơ bản trong TTHS là chức năng bào chữa, có vị trí bình đẳng với những người tiến hành tố tụng như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. Cần đưa nội dung các Điều 50 (người bào chữa), Điều 51 (người bảo vệ quyền lợi của người bị tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố); và Điều 52 (người bảo vệ quyền lợi của đương sự) trong Dự thảo Chương IV (gọi chung là "người bào chữa") thành điều khoản tương ứng trong Chương VII.
Bởi lẽ, việc đặt người bào chữa trong chương của những người tham gia tố tụng, phạm vi hoạt động thuộc lĩnh vực "bổ trợ tư pháp" như Bộ luật TTHS hiện hành cho thấy vị trí, vai trò của người bào chữa không được bình đẳng với người tiến hành tố tụng. Thực chất chỉ là quyền năng phái sinh của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, hoàn toàn phụ thuộc vào sự chấp thuận hay không của cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là trong việc điều tra, thu thập chứng cứ nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị tình nghi phạm tội.
Trong Đề án mô hình TTHS của Ban cán sự Đảng Viện KSND tối cao trình Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư đã nhấn mạnh: "Người bào chữa phải được tạo các cơ hội để trở thành một bên có vị trí độc lập, bình đẳng với các chủ thể khác, nhất là chủ thể thực hiện chức năng buộc tội trong việc chứng minh sự vô tội hoặc thực hiện việc gỡ tội. Phải bảo đảm khi nào và ở đâu có việc buộc tội, thì ở đó quyền bào chữa phải được thực hiện và tôn trọng. Sự buộc tội càng cao thì sự bào chữa càng phải lớn, tội phạm càng nghiêm trọng, càng phải coi trọng việc bào chữa".
Để cụ thể hóa nhận thức trên, cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tình nghi phạm tội, tạo điều kiện cho người bào chữa được tiếp cận sớm và có khả năng để tư vấn, trợ giúp cho người bị bắt, bị can, bị cáo trong các giai đoạn tố tụng. Người bào chữa tham gia tố tụng không chỉ để thực hiện việc bào chữa, gỡ tội cho bị can, bị cáo, mà trong suốt quá trình đó, việc tham gia của người bào chữa còn góp phần cùng các cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật vụ án, tìm đến chân lý khách quan của vụ việc. Bản thân hoạt động của người bào chữa cũng xác lập một kênh giám sát đối với các cơ quan tư pháp...
Thứ hai, về diện chủ thể hưởng quyền bào chữa và diện người bào chữa. Xét nội hàm theo nghĩa rộng, quyền được tiếp cận và sử dụng trợ giúp pháp lý của luật sư không nên chỉ giới hạn khi có quyết định bắt người tạm giữ hoặc khi quyết định khởi tố vụ án hình sự, người bị tố giác, tin báo về tội phạm tình nghi phạm tội bị triệu tập mời lên cơ quan công an, mà cần bổ sung cả trường hợp "người bị kết án". Đây là những người đang chịu chế tài của bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, nhưng đang có nguyện vọng xin khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc xem xét miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Việc quy định diện chủ thể hưởng quyền trợ giúp pháp lý này sẽ dẫn đến việc quy định trình tự người bào chữa được quyền tham gia quá trình khiếu nại, kháng nghị và tham gia tiến hành quá trình xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
Mặt khác, khi người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, chúng tôi đề nghị người đại diện hợp pháp, người thân thích hoặc người được họ chỉ định đều có thể nhờ luật sư bào chữa.
Trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị án đang bị giam giữ, thi hành án có yêu cầu liên hệ nhờ đích danh người bào chữa, thì những người tiến hành tố tụng phải lập tức thông báo yêu cầu này cho người bào chữa của họ.
Trường hợp họ không xác định được người bào chữa cụ thể thì những người tiến hành tố tụng trong vòng 24 giờ phải lập tức thông báo yêu cầu này cho người đại diện hợp pháp, người thân thích hoặc người được chỉ định của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án và những người này sẽ chủ động hoặc được quyền thay mặt họ để liên hệ nhờ người bào chữa. Đối với trường hợp không đủ điều kiện hoặc thuộc diện chính sách có yêu cầu trợ giúp pháp lý, những người tiến hành tố tụng phải thông báo cho cơ quan trợ giúp pháp lý Nhà nước chỉ định người bào chữa cho họ.
Thứ ba,cần tháo gỡ rào cản bằng cách bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận hay giấy đăng ký bào chữa, tạo điều kiện cho người bào chữa được chủ động tiếp xúc nhằm tư vấn, trợ giúp cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo một cách riêng tư, trong tầm giám sát ca-mê-ra và không bị ghi âm, quy định quyền thu thập và đánh giá chứng cứ của người bào chữa, làm căn cứ cho việc mở rộng khả năng tranh tụng và phán quyết của Tòa án phải xuất phát từ kết quả tranh tụng dân chủ tại phiên tòa như Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Trong điều kiện mô hình TTHS của nước ta hiện nay, việc bảo đảm cho ba chủ thể có trách nhiệm buộc tội, bào chữa và xét xử thực hiện tốt chức năng của mình cần được quán triệt và thực thi đầy đủ, nếu thiếu đi bất cứ yếu tố nào, phá vỡ sự cân bằng trong TTHS thì đều dẫn đến không thực hiện được mục tiêu cơ bản của Bộ luật TTHS đề ra.
Nhu cầu cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo đảm quyền bào chữa trong Bộ luật TTHS xuất phát từ Chiến lược cải cách tư pháp được Bộ Chính trị đề ra trong Nghị quyết số 08 ngày 2-1-2002, Nghị quyết số 49 ngày 2-6-2005 và Chiến lược phát triển nghề Luật sư ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua ngày 5-7-2011, trong đó cải cách tư pháp hình sự đang là một trong những nội dung quan trọng của cải cách tư pháp nhằm mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.