Hoạt động chuyên đề

Sau 40 năm đồng đội chúng tôi mới được trở về quê mẹ

3/23/2013 6:41:53 PM

Ban liên lạc Cựu chiến binh (CCB) Đoàn Ba Gia (Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu V) tại Quảng Bình đã nhiều lần tổ chức đi tìm hài cốt liệt sỹ, những đồng đội đã từng cùng đơn vị chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng hy sinh vì tổ quốc, nằm lại ở chiến trường

Ban liên lạc Cựu chiến binh (CCB) Đoàn Ba Gia (Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu V) tại Quảng Bình đã nhiều lần tổ chức đi tìm hài cốt liệt sỹ, những đồng đội đã từng cùng đơn vị chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng hy sinh vì tổ quốc, nằm lại ở chiến trường, có nhiều lý do khác nhau mà chưa có điều kiện để tìm và đưa đón hài cốt các liệt sỹ trở về quê hương sớm được.

Đón xuân Quý tỵ năm nay, anh em chúngtôi quyết định có kế hoạch đi tìm và đưa hài cốt liệt sỹ Hoàng Văn Ngà. Quê quán thôn Thái Hòa, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch hy sinh trong một trận chiến đấu ác liệt năm 1974 tại thôn 4 xã Sơn Phúc, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam trở về quê mẹ. Liệt sỹ HoàngVăn Ngà sinh năm 1955, nhập ngũ tháng 8/1971, đồng chí Ngà viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ khi tuổi vừa bước vào mùa xuân thứ 17, trong thời kỳ đất nước chúng ta chiến tranh còn rất ác liệt. Trong đoàn quân nhập ngũ lúc đó đồngchí Ngà là người trẻ nhất trong số chúng tôi, nhưng là người to khỏe, cường tráng, nhanh nhẹn, phấn khởi tự tin khi được đứng trong hàng ngũ quân đội.

Đoàn chúng tôi đi có các đồng chí CCB nguyên là cùng đơn vị (Đồng chí Lê Công Thị, Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Đồng chí Trần Công Lập) cùng với chị Hoàng Thị Lượng em gái liệt sỹ Hoàng Văn Ngà,trong đó có đồng chí Trần Công Lập quê ở xã Trường Thủy, Lệ Thủy, năm nay 62 tuổi là người trược tiếp mai táng liệt sỹ Hoàng Văn Ngà năm 1974, cũng là người trực tiếp đưa di vật của liệt sỹ về trao lại cho gia đình vào năm 1976 sau khi đất nước thống nhất, mặc dù sức khỏe còn yếu do bệnh lý hành hạ mấy năm nay nhưng với tinh thần vì đồng đội, đồng chí quyết tâm ra đi để đưa bằng được hài cốt liệt sỹ về quê hương, vừa để làm tròn nghĩa vụ của người lính, người đồng đội, vừa sợ rằng nếu để quá muộn đến khi sức khỏe không cho phép thì không còncơ hội, lúc đó ân hận thì quá muộn.

Sau gần một ngày đi đường vất vã, đến khu chiến trường xưa mọi địa hình, địa vật đều thay đổi, sau 38 năm giải phóng khu dân cư mọc lên ở san sát ven các chân đồi của chiến sự ngày xưa, tất cả mọi thứ đều lạ lẫm buộc chúng tôi phải vào nhà dân hỏi dò đường. Được sự nhiệt tình của ông Phan Đức Thành năm nay 75 tuổi ở thôn Bình Phước Đông, xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn dẫn dắt, chỉ đường chúng tôi vào đúng ngay vị trí đơn vị đóng quân ngày xưa, nơi đây là một gò đồi trọc, những hòn đá cao lổm chổm vững chắc vẫn như ngày xưa, vị trí đại đội tác chiến, hầm anh nuôi vẫn còn còn in dấu vết. Chúng tôi bắt đầu hướng tới tâm linh chia nhau ra nhiều hướng để tìm mộ liệt sỹ Hoàng Văn Ngà. Theo lời đồng chí Lập thì trong khu vực này đồng chí mai táng liệt sỹ và mộ được đắp rất to, và tại thời điểm này chỉ có một ngôi mộ duy nhất, khi mai táng phía trong bọc võng bộ đội, phía ngoài bọc bạt che mưa của bộ đội. Thế nhưng chúng tôi tìm giữa cái nắng như đốt vẫn không thấy có ngôi mộ nào kể cả mộ của dân (vì khu vực này không phải khu nghĩa trang của thôn). Đang trong sự tìm chờ thì may mắn đến như có người mách bảo. Anh Lộc người dân ở khuvực thông báo cho chúng tôi biết ở đây trước đây có một ngôi mộ nhưng vì có công trình ngăn đập thủy nông lấy nước tưới tiêu nên xã đã cho người cất bốc đi nơi khác, và anh cho biết là ông tên là Kiều bốc nhưng không biết địa chỉ. Thật may là ông Phan Đức Thành cùng lứa tuổi nên biết ông Kiều và dẫn đoàn đến gia đình ông Kiều.


Ông Cao Tấn Kiều năm nay 72 tuổi ở thôn Bình Phước Tây, xã Sơn Viên, ông kể lại cho chúng tôi rằng: Do có công trình thủy lợi ngăn đập chứa nước nên sợ nước ngập ngôi mộ vô chủ từ trước đến nay nên năm 2001 UBND xã giao cho cha con ông cất bốc đưa vào vị trí chôn cất mộ vô chủ của thôn. Khi ông cất lên dưới mộ chỉ còn hộp sọ người, hai đầu võng có đoạn dây dù và một miếng bạt chưa mục hết. Ông nghi đây là mộ liệt sỹ nhưng không giám nói ra vì sợ không chính xác nên không đưa vào nghĩa trang liệt sỹ khuyết danh (Đây cũng là điều rủi nhưng là may vì nếu đưa vào nghĩa trang thì nay không biết ngôi nào trong hàng trăm ngôi mộ khuyết danh trong nghĩa trang). Với cái tâm của người cách mạng ông Kiều cho biết, khi cải táng ngôi mộ này cha con tôi trong thâm tâm là phải khắc nhớ vị trí để nhỡ mai sau có ai đi tìm mộ liệt sỹ để chỉ cho họ, Khi ông đưa chúng tôi ra chỉ vị trí ngôi mộ liệt sỹ Hoàng Văn Ngà ông còn cẩn thận điện vào người con trai đang ở thành phố Hồ Chí Minh xác định lại.



Nhờ sự nhiệt tình giúp đỡ của xã độivà UBND xã Sơn Viên huyện Nông Sơn đã làm thủ tục bàn giao hài cốt liệt sỹ Hoàng Văn Ngà cho chúng tôi đưa về quê hương trong nỗi niềm thương tiếc nhớ nhung của người thân gia đình, người mẹ 77 tuổi của anh. Đảng Ủy, UBND xã Hội CCB xã, cùng gia đình và bà con thôn Thái Hòa, xã Quảng Minh đã tổ chức làm lễ truy điệu, tri ân đời đời nhớ ơn công lao của liệt sỹ Hoàng Văn Ngà “Mãi mãi là tuổi 20” và tiễn đưa an táng tại nghĩa trang liệt sỹ quê nhà.

Đây là việc làm rất ý nghĩa góp phần vào thực hiện chính sách uống nước nhớ nguồn, đi tìm mộ liệt sỹ của Đảng và Nhà nước, Quân đội ta, làm vơi đi nổi đau mất mát của gia đình thân nhân liệt sỹ trong mấy chục năm qua. Chúng tôi cũng mong muốn rằng những người đồng đội ai có biết thông tin về mộ liệt sỹ hãy thông báo cho chúng tôi để tổ chức đưa đồng đội chúng ta trở về quê mẹ./.

  TM/ Ban liên lạc

CCB Đoàn Ba Gia tại Quảng Bình

                                                                         Đoàn Công Kê

          

Đóng góp ý kiến Bản in
Họ và tên
Nội dung hỏi
  Mã xác nhận: 4410

Các Tin đã đăng

video

Lượt truy cập: 1388864 lần

Đang online: 39 người