Trao đổi về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án

10/7/2019 9:21:57 AM

Toà án nhân dân tối cao đang soạn thảo Luật Hoà giải, đối thoại tại toà án, dự kiến sẽ trình Quốc hội khoá XIV, kỳ họp thứ 8 cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp thứ 9.

Theo đó, Luật này được xây dựng với hai mục đích chính là giảm tải công việc của tòa án và giúp cho việc giải quyết các vụ kiện dân sự, hành chính được nhanh chóng, tiết kiệm. Sau khi nghiên cứu dự thảo 3 của dự án Luật, bài viết này xin được trao đổi về những mục đích đó.

giai-quyet-tranh-chap-ban-quyen-5d9957daee076

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Về mục đích giảm tải công việc của Toà án

- Theo quy định tại Điều 16 dự thảo Luật Hoà giải, đối thoại tại toà án thì đơn khởi kiện (kèm theo tài liệu, chứng cứ) vụ án dân sự, hành chính nộp trực tiếp hoặc gửi đến toà án sẽ được toà án nhận đơn theo quy định của Bộ luật TTDS, Luật TTHC. Theo đó, bộ phận nhận  đơn phải ghi vào sổ nhận đơn và trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn phải gửi thông báo nhận đơn cho người gửi đơn  khởi kiện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được Chánh án phân công xem xét đơn khởi kiện, Thẩm phán sẽ:

(i) Chuyển những việc không được hòa giải; không hòa giải được, không tiến hành đối thoại được cho Chánh án để phân công Thẩm phán giải quyết theo quy định của Bộ luật TTDS, Luật TTHC;

(ii) đối với những việc không thuộc trường hợp (i), Thẩm phán phân công Hoà giải viên, Đối thoại viên và thông báo cho hai bên của vụ kiện biết đồng thời yêu cầu họ trả lời có đồng ý hay không việc hoà giải, đối thoại. Nếu họ đồng ý thì giao “hồ sơ” cho Hoà giải viên, Đối thoại viên thực hiện hoà giải, đối thoại, nếu họ không đồng ý (hoặc một trong hai bên không đồng ý) thì lại chuyển cho Chánh án phân công Thẩm phán giải quyết như ở trường hợp (i). Như vậy, ngay ở bước khởi đầu này, công việc của Toà án không được giảm tải  mà có phần còn tăng thêm.

- Theo quy định tại các điều 22, 23, 26 của dự thảo Luật thì Thẩm phán phải tham dự phiên hoà giải, đối thoại; ký xác nhận biên bản kết quả phiên hoà giải, đối thoại; ra quyết định công nhận hoà giải thành, đối thoại thành. Như vậy, ở giai đoạn này công việc của Toà án cũng không được giảm tải, chỉ khác là nếu giải quyết vụ kiện theo quy định của Bộ luật TTDS, Luật TTHC thì Thẩm phán là người chủ trì hoà giải, đối thoại; còn theo Luật này thì Thẩm phán chỉ là người chứng kiến, xác nhận việc hoà giải, đối thoại.

- Dự thảo Luật hoà giải, đối thoại đã giao thêm cho toà án việc quản lý công việc hoà giải, đối thoại tại toà án:

(i) Toà án chịu trách nhiệm lập dự toán,quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí phục vụ cho công tác hoà giải, đối thoại;

(ii) Tổ chức thực hiện hoà giải, đối thoại; bố trí địa điểm, phòng làm việc cùng các trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho công tác hoà giải, đối thoại. Thực hiện các công việc hành chính khác phục vụ cho việc hoà giải, đối thoại;

(iii) Thực hiện việc quản lý, giám sát đội ngũ Hoà giải viên, Đối thoại viên tiến hành các thủ tục để bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Hoà giải viên, Đối thoại viên cũng như đề xuất việc khen thưởng, kỷ luật, miễn nhiệm Hoà giải viên, Đối thoại viên.

Như vậy, bên cạnh việc quản lý toà án của mình, toà án còn có trách nhiệm quản lý “bộ phận” hoà giải, đối thoại tại toà án mình. Toà án cần phải san sẻ nhân lực và các phòng làm việc để thực hiện công việc này.

Về mục đích giúp cho việc giải quyết vụ kiện được nhanh chóng, tiết kiệm

- Dự thảo Luật Hoà giải, đối thoại quy định thời hạn hòa giải, đối thoại là 20 ngày kể từ ngày Hoà giải viên, Đối thoại viên được phân công “giải quyết” vụ kiện. Đối với vụ kiện phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài, nhưng không được quá 30 ngày. Thực tế cho thấy là đối với những vụ thuận tình ly hôn thì các toà án hoà giải thành trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thụ lý là chuyện bình thường, nên loại việc này hoà giải theo Luật hoà giải, đối thoại cũng không nhanh chóng hơn. Đối với những vụ kiện phức tạp mà quy định thời hạn hoà giải, đối thoại không được quá 30 ngày thì lại khó thực hiện được.

Dự thảo Luật còn quy định là thời hạn hoà giải, đối thoại có thể được kéo dài theo đề nghị của hai bên. Quy định này dường như để giải quyết đối với trường hợp “trong thời hạn 30 ngày” mà việc hoà giải, đối thoại chưa có kết quả. Nhưng thời gian kéo dài được cho phép là bao lâu, một tháng hay mấy tháng?

Quy định này không cho thấy việc hoà giải, đối thoại tại toà án sẽ nhanh chóng hơn so với hoà giải, đối thoại theo quy định của Bộ luật TTDS và Luật TTHC.

- Đối với những trường hợp chỉ hoà giải thành, đối thoại thành một phần (hoặc một số phần) của vụ kiện thì phần tranh chấp còn lại sẽ được chuyển cho toà án thụ lý giải quyết. Toà sẽ lại phải hoà giải việc đã hoà giải không thành, đối thoại không thành trước đó. Nếu vụ kiện được toà án thụ lý từ đầu thì toà sẽ xét xử ngay mà không phải hoà giải, đối thoại lại sự việc đó nữa.

Tương tự như vậy, đối với những trường hợp chấm dứt hoà giải, đối thoại do đang trong quá trình hoà giải, đối thoại mà một hoặc cả hai bên không đồng ý tiếp tục hoà giải, đối thoại; một bên vắng mặt hai lần không có lý do; phát hiện việc kiện không được hoà giải, đối thoại theo quy định của pháp luật. Thì khi những việc kiện này được chuyển cho toà án thụ lý, giải quyết, toà án sẽ phải quyết vụ kiện từ đầu.

Đối với cả hai trường hợp trên, thời hạn giải quyết vụ kiện đã bị kéo dài hơn so với việc toà án thụ lý, giải quyết vụ kiện ngay từ đầu.

- Dự thảo Luật cũng quy định trong quá trình hoà giải, đối thoại, Hoà giải viên, Đối thoại viên có quyền xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện trước khi lập biên bản hoà giải thành, đối thoại thành. Vậy thủ tục thực hiện thế nào? Nếu được thực hiện theo quy định tại Điều 101 Bộ luật TTDS, Điều 88 Luật TTHC thì Hoà giải viên, Đối thoại viên có thẩm quyền trực tiếp đề nghị đại diện UBND hoặc Công an xã, phường… chứng kiến hay phải thông qua toà án? Rõ ràng là nếu vụ kiện được Toà án thụ lý giải quyết thì việc thực hiện hoạt động này sẽ thuận lợi, nhanh chóng hơn .

- Thực tế hiện nay ở các toà án, loại án hôn nhân gia đình hoà giải thành trên dưới 75%, tiếp đến là loại án kinh doanh thương mại hoà giải thành trên 30%, loại án dân sự (theo nghĩa hẹp) có tỷ lệ hoà giải thấp nhất, khoảng 28%, vụ kiện hành chính và lao động thì hầu như không tiến hành đối thoại được,  hoà giải được.

Câu hỏi đặt ra là nếu thực hiện Luật hoà giải, đối thoại tại toà án thì kết quả có tốt hơn việc hoà giải do các toà án thực hiện hay không. Nếu cũng chỉ chủ yếu hoà giải thành loại án hôn nhân gia đình thì không có ý nghĩa gì.

Từ những trình bày trên cho thấy nội dung bản dự thảo Luật Hoà giải, đối thoại tại toà án không giúp giảm tải công việc cho toà án, không cho thấy việc giải quyết vụ kiện được nhanh chóng, tiết kiệm hơn mà dường như đang gây “khó” cho người khởi kiện khi buộc họ phải qua “bộ lọc” hoà giải, đối thoại. Thiết nghĩ, cần phải xem xét lại việc ban hành đạo Luật này.

Nguồn: "lsvn.vn"