1. Vật
Vật là một bộ phận của thế giới vật chất có thể đáp ứng được nhu cầu, mang lại lợi ích cho con người và con người có thể kiểm soát được. Nó có thể đang tồn lại hoặc có thể hình thành trong tương lai. Vật được phân chia có ý nghĩa quan trọng trong việc xác lập, thực hiện quyền sở hữu và các quan hệ dân sự và được dựa trên các tiêu chí khác nhau như: công dụng, mối liên hệ của vật với nhau, xác định giá trị sử dụng của vật, dấu hiệu phân biệt của vật….
- Căn cứ theo Điều 110 Bộ luật dân sự 2015, vật được chia thành: Vật chính (là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng) và vật phụ (là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính, nhưng có thể tách rời vật chính).
Theo đó, vật chính là vật độc lập có thể khai thác theo tính năng sử dụng của vật, đó có thể là một hay nhiều vật liên kết lại với nhau thành một vật có chung một công dụng. Còn vật phụ chính là vật để phục vụ cho vật chính, trực tiếp khai thác công dụng của vật chính. Khi chuyển giao vật chính thì phải chuyển giao luôn vật phụ trừ trường hợp có thỏa thuận khác mà không cần vật phụ đi kèm. Ví dụ như vật chính là két sắt, vật phụ là chìa khóa...
- Căn cứ theo Điều 111 Bộ luật dân sự 2015, vật được chia làm hai loại: Vật chia được (là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng ban đầu) và vật không chia được (là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu).
Theo đó, vật chia được như là gạo, nếp, xăng,.. có thể chia thành nhiều phần mà vẫn giữ nguyên được giá trị dù là chia theo cách nào thì khi sử dụng vẫn đúng tính năng, công dụng ban đầu của nó. Còn những vật không chi được như quạt, bàn, máy tính,... là những vật khi phân chia sẽ bị mất đi công dụng so với vật ban đầu nên đối với trường hợp này phải định giá thành tiền để phân chia.
- Căn cứ theo Điều 112 Bộ luật dân sự 2015, vật được chia thành vật tiêu hao (là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu) và vật không tiêu hao (là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu).
Theo đó, vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn như đồ ăn để một thời gian sẽ bị hư hỏng, xà bông qua một lần sử dụng sẽ mất hình dạng ban đầu… như vậy sẽ không giữ được hình dạng, công dụng, tính năng ban đầu trước khi cho thuê. Còn đối với vật không tiêu hao như nhà, ô tô, máy tính… mặc dù về sử dụng lâu dài thì vật này cũng bị hao mòn nhưng vẫn giữ được tính chất , hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu. Nên nếu phân chia vật theo trường hợp này sẽ mang tính chất tương đối, có ý nghĩa trong quan hệ dân sự.
- Căn cứ theo Điều 112 Bộ luật dân sự 2015, vật được chia thành vật cùng loại (là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường) và vật đặc định (là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí).
Theo đó, trong giao dịch dân sự việc phân chia vật cùng loại và vật đặc định có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định đối tượng nghĩa vụ dân sự. Vật cùng loại như gạo, đường, dầu là vật cùng thể loại, bánh, thuốc của một nhà máy sản xuất có cùng chất lượng… và các vật này có thể thay thế cho nhau. Còn vật đặc định như các đồ cổ, các bức tranh cổ… các vật này có vật cùng loại nhưng lại có những dấu hiệu riêng để phân biệt và khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó nếu không còn thì phải bồi thường thiệt hại.
- Ngoài ra, tại Điều 114 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút.
Vật đồng bộ chính là tập hợp những vật có mối liên hệ với nhau để khi con người sử dụng sẽ có đầy đủ các công dụng cũng như giá trị thẩm mỹ của vật đó như bộ áo quần, bộ bàn ghế, bộ máy tính để bàn… Vật đồng bộ có tính liên kết nếu thiếu hoặc một trong các phần, bộ phận không đúng chủng loại, thông số thì vật sẽ bị giảm đi hoặc mất giá trị sử dụng. Như vậy, khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đồng bộ thì phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc các bộ phận hợp thành, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Tiền
Tiền là vật ngang giá chung để trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Tiền được mọi người chấp nhận sử dụng, do Nhà nước phát hành và bảo đảm giá trị bởi các tài sản khác như vàng, kim loại quý, trái phiếu, ngoại tệ.
Theo quy định của pháp luật tiền là một loại tài sản nhưng lại không có quy định rõ ràng về khái niệm của tiền theo bản chất pháp lý và tiền được lưu hành chính là tiền được pháp luật thừa nhận và được xem như là tài sản.
3. Giấy tờ có giá
Theo Khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010 Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.
Còn theo quy định của Bộ luật dân sự giấy tờ có giá là một loại tài sản nhưng lại không có quy định định nghĩa cụ thể giấy tờ có giá là gì. Như vậy, nội dung trên giấy tờ có giá là thể hiện quyền tài sản, giá của giấy tờ là giá trị quyền tài sản và quyền này được pháp luật bảo vệ. Có thể hiểu giấy tờ có giá có giá trị bằng tiền, được chuyển giao trong quan hệ dân sự, như cổ phiếu, trái phiếu, séc,…
Ngoài ra, còn có các loại giấy tờ xác nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe máy, sổ tiết kiệm… không phải là giấy tờ có giá.
4. Quyền tài sản
Căn cứ theo Điều 115 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Quyền tài sản là quyền của cá nhân, tổ chức được pháp luật cho phép thực hiện chi phối, kiểm soát tài sản của mình và yêu cầu người khác thực hiện nghĩa vụ đem lại lợi ích vật chất cho mình (cụ thể đó là một khoản tiền nhất định như trả nợ, bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu chuyển giao giá trị của vật). Quyền tài sản có thể được xác lập với bất kỳ loại tài sản nào nếu bị pháp luật cấm.
5. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản
Căn cứ theo Điều 107 Bộ luật dân sự thì Bất động sản bao gồm: Đất đai; Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; Tài sản khác theo quy định của pháp luật. Còn động sản là những tài sản không phải là bất động sản.
Theo đó, bất động sản là các tài sản không thể di dời được, cụ thể:
- Đất đai theo quy định của pháp luật là mảnh đất riêng biệt có diện tích được thể hiện trên bản đồ địa chính và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận thông qua quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất đó.
- Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai được coi là tài sản bất động sản bởi nó phát sinh từ bất động sản ban đầu là đất đai.
- Các tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng ví dụ như cây cối, hầm mỏ,... Những tài sản này được coi là bất động sản khi gắn liền với đất do vị trí tự nhiên nhưng nếu tách ra khỏi đất (khoáng sản đã được khai thác khỏ hầm mỏ, hoa quả được thu hoạch từ cây trồng…) thì các tài sản này được xem là động sản.
Ngoài những tài sản là bất động sản trên thì theo trong từng trường hợp cụ thể pháp luật có quy định những tài sản khác là bất động sản. Bất động sản có thể là đối tượng thế chấp để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ trong các quan hệ dân sự.