NGÀNH NGHỀ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN. CÁC ĐKKD THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

7/15/2021 3:23:48 PM

Ngành nghề kinh doanh có điều kiện là các ngành nghề mà chủ đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề đó phải đáp ứng các quy định trong các luật, pháp lệnh, nghị định, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

1. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện kinh doanh là gì?

Điều kiện kinh doanh là điều kiện mà pháp luật quy định chủ thể kinh doanh phải có khi thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh trong một số ngành nghề nhất định. 

Ngành nghề kinh doanh có điều kiện là các ngành nghề mà chủ đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề đó phải đáp ứng các quy định trong các luật, pháp lệnh, nghị định, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định cụ thể tại Phụ lục IV của Luật đầu tư 2014.

2. Các điều kiện để kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Điều kiện kinh doanh là các yêu cầu từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc các chủ thể kinh doanh doanh nghiệp phải thực hiện hoặc phải có được thể hiện trên giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và các yêu cầu về vốn pháp định hoặc các yêu cầu khác.

2.1 Điều kiện về giấy phép kinh doanh 

Là giấy phép cho các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh khi đáp ứng đủ các điều kiện được đăng ký kinh doanh một hoặc một số hoạt động kinh doanh trong một số lĩnh vực theo quy định của pháp luật hiện hành do cơ quan có thẩm quyền cấp. 

Giấy phép kinh doanh là loại giấy tờ có tính chất thông hành, các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp phải có thì mới hoạt động một cách hợp pháp khi hoạt động trong những lĩnh vực thuộc Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định theo Luật đầu tư. Giấy phép kinh doanh còn được sử dụng như một hình thức để hạn chế kinh doanh đối với những ngành, nghề nhất định. 

Ví dụ: Muốn kinh doanh bưu chính, viễn thông thì được Sở thông tin và truyền thông cấp giấy phép hoặc Muốn kinh doanh xăng dầu, rượu, xăng dầu,... chủ thể chỉ được kinh doanh khi Sở thương mại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp giấy phép kinh doanh…. 

2.2 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh

Là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp về việc thành lập doanh nghiệp hợp pháp, ghi nhận năng lực pháp lý và là giấy tờ pháp lý đầu tiên đối với một doanh nghiệp. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thì các chủ thể kinh doanh mới được phép kinh doanh trong ngành nghề, lĩnh vực đó.

Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nội dung sẽ bao gồm: Tên kèm mã số doanh nghiệp; địa chỉ doanh nghiệp; họ tên kèm địa chỉ, quốc tịch, số CMND, CCCD, Hộ chiếu hoặc các giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, của chủ doanh nghiệp, các thành viên hợp danh…(tùy tính chất của công ty); vốn điều lệ; ngành nghề đăng ký kinh doanh.

Ví dụ: Giấy chứng đủ điều kiện kinh doanh phân bón, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm,...

2.3 Điều kiện về chứng chỉ hành nghề

Chứng chỉ hành nghề là là văn bản mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc hội nghề nghiệp cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm về một ngành nghề nhất định theo quy định của pháp luật để hoạt động. Tùy vào từng ngành nghề, lĩnh vực khác nhau được quy định trong pháp luật chuyên ngành mà yêu cầu số lượng cá nhân có giấy chứng nhận hành nghề và vị trí của người có giấy chứng nhận hành nghề trong các doanh nghiệp cũng khác nhau. Nhưng đối với các ngành nghề, lĩnh vực có điều kiện này, các doanh nghiệp phải có người hoạt động trong ngành nghề đó có chứng chỉ hành nghề. 

Ví dụ: Muốn hành nghề luật sư thì các chủ thể cần đáp ứng theo các điều kiện của Luật luật sư và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và các Văn phòng luật sư và Công ty luật phải có Luật sư có chứng chỉ hành nghề luật sư. Hoặc trong trường hợp đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề mà pháp luật không yêu cầu hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề thì trong trường hợp này có thể Giám đốc, người đứng đầu hoặc ít nhất 01 cán bộ chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành trong doanh nghiệp có chứng chỉ hành nghề.

2.4 Điều kiện đối với vốn pháp định

Vốn pháp định là một trong những điều kiện của một số ngành nghề kinh doanh yêu cầu bắt buộc. Đó là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập một doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Vốn pháp định sẽ khác nhau tùy theo từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.

Yêu cầu về vốn pháp định thường được đặt ra đối với các ngành nghề đòi hỏi trách nhiệm tài sản cao của các doanh nghiệp hoặc các ngành nghề có yêu cầu cơ sở vật chất lớn. Mục đích của điều kiện này nhằm giúp doanh nghiệp thực hiện tổ chức hoạt động kinh doanh sau khi thành lập; xác định năng lực hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề đó của doanh nghiệp đồng thời phòng ngừa rủi ro, góp phần bảo vệ lợi ích của các chủ thể có giao dịch với doanh nghiệp đó.

Ví dụ: Trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm mức vốn pháp định của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực cũng khác nhau như: bảo hiểm nhân thọ (600-1000 tỷ đồng tùy từng lĩnh vực cụ thể) , phi nhân thọ(300-400 tỷ đồng tùy từng lĩnh vực cụ thể), bảo hiểm hiểm sức khỏe (300 tỷ đồng)... Kinh doanh dịch vụ kiểm toán 6 tỷ đồng 

Ngoài ra, trong một số lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh nhất định có một số điều kiện khác như: Văn bản xác nhận kinh nghiệm làm việc; Phải lập dự án và được phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập công ty để bắt đầu kinh doanh và các điều kiện mà chủ thể phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải xác nhận, chấp thuận dưới hình thức văn bản theo quy định.